Vắc xin COVID-19 của đại học Oxford đạt hiệu quả cao

Trong một vài tuần vừa qua, thế giới đã đón nhận hàng loạt tin tức từ các thử nghiệm vắc-xin COVID-19. Tại OUCRU, chúng tôi rất vui mừng với kết quả thử nghiệm vắc-xin COVID-19 phát triển bởi các đồng nghiệp tại Đại Học Oxford hợp tác với công ty dược của Anh – AstraZeneca.

Nhìn chung, kết quả từ các thử nghiệm của cả 3 loại vắc-xin đều rất hứa hẹn. Cả ba loại vắc xin từ công ty Pfizer và Moderna tại Mỹ, và từ Oxford Anh Quốc đều cho thấy khả năng ngăn ngừa COVID-19 và các triệu chứng.

Mặc dù có những khác biệt về công nghệ và cách hoạt động của mỗi loại vắc-xin, nhưng ý tưởng về cơ chế của chúng thì tương đồng. Cả 3 loại vắc-xin đều hoạt động bằng cách kích hoạt cơ chế miễn dịch tự nhiên trong cơ thể con người. Loại vi-rút gây nên bệnh COVID-19 có hình dáng đặc thù. Nó có hình tròn và có nhiều gai bao quanh bề mặt. Những loại gai này còn được gọi là ‘protein gai’, và chúng hoạt động như những chiếc chìa khóa giúp cho vi-rút có thể xâm nhập tế bào. Cả 3 loại vắc-xin đều khiến cho cơ thể sản sinh ra đề kháng giúp ngăn chặn các tế bào gai này. Vì thế với những ai đã được tiêm ngừa vắc-xin, đề kháng của họ sẽ ngăn ngừa vi-rút tấn công tế bào và họ sẽ không bị nhiễm bệnh COVID-19.

Vắc-xin tử công ty Pfizer và Moderna sử dụng một loại công nghệ mới. Các nhà khoa học phát triển chúng sử dụng một phần mã gene tạo nên vi-rút. Họ gọi phần này là ‘RNA thông tin’ – một loại mã gene di truyền để vi-rút tạo nên protein gai. Khi các ‘RNA thông tin’ của vi-rút được tiêm vào người sẽ sản sinh ra các tế bào gai nhưng không phải toàn bộ vi-rút. Chính vì thế, khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch sẽ phát hiện tế bào gai này và tạo miễn dịch chống lại chúng. Sau đó, nếu người đó có bị phơi nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19, thì họ đã có miễn dịch nhận biết các protein gai của vi-rút và ngăn ngừa vi-rút xâm nhập tế bào và gây bệnh.

Vắc-xin của đại học Oxford sử dụng công nghệ lâu đời hơn. Thay vì sử dụng ‘RNA thông tin’ để tạo nên protein gai, đội ngũ Oxford sử dụng một loại vi-rút không gây hại với con người. Họ thay đổi con vi-rút này để chúng sản sinh ra protein gai sau khi đi vào cơ thể người, và kích thích cơ chế miễn dịch tương tự như 2 loại vắc-xin kia. Miễn dịch chống lại protein được tạo ra và người được tiêm sẽ có đề kháng chống lại COVID-19.

Có 2 sự khác biệt chính giữa vắc-xin sử dụng RNA thông tin và vắc-xin của Oxford. Đầu tiên, RNA không ổn định ở nhiệt độ cao. Chính vì thế vắc-xin của Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C. Để so sánh thì nhiệt độ mùa đông trung bình ở Nam Cực là khoảng -49 độ C. Vì thế -80 độ C là cực kỳ lạnh. Vắc-xin của Moderna có thể bảo quản ở nhiệt độ cao hơn một chút ở khoảng -20 đến -10 độ C, nhưng vẫn rất lạnh. Vấn đề lớn nhất của việc bảo quản lạnh này là việc vận chuyển, đặc biệt tới những khu vực hẻo lánh và thiếu điều kiện. Mặc dù việc vận chuyển này khá dễ dàng ở những thành phố lớn tại các nước phát triển, nó sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn tại nhiều nơi trên thế giới. Vắc-xin của Oxford vẫn cần bảo quản lạnh, nhưng nhiệt độ cần thiết là từ 2-4 độ , tương đương nhiệt độ ở tủ lạnh thông thường. Điều này có thể khó khăn ở một số nước có nhiệt độ cao, tuy vậy vẫn dễ dàng hơn rất nhiều so với 2 vắc-xin còn lại.

Sự khác biệt thứ hai là giá thành. Đại học Oxford và công ty AstraZeneca sản xuất vắc-xin với thỏa thuận là trong bối cảnh dịch bệnh thì vắc-xin sẽ được sản xuất phi lợi nhuận. Điều này có nghĩa là cả Oxford và AstraZeneca sẽ không thu lợi nhuận từ vắc-xin và chính vì thế giá thành cho vắc-xin sẽ được giữ thấp nhất có thể. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá thành của vắc-xin – nhưng ở thời điểm hiện tại, vắc-xin của Oxford sẽ có giá thành khoảng $4 cho một liều, trong khi đó giá cho các loại vắc-xin khác sẽ cao hơn đáng kể. Việc vắc-xin của Oxford có giá thành thấp sẽ là tin vui với những nước có thu nhập thấp và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin.

Câu hỏi lớn nhất của mọi người sẽ là: nhưng liệu chúng có hiệu quả? Tất cả các công ty đã công bố hiệu lực trong thử nghiệm lâm sàng. Pfizer là công ty đầu tiên công bố với hiệu lực là 90%. Vắc-xin của Moderna có hiệu lực thậm chí cao hơn với 95%. Và vắc-xin của Oxford đưa ra nhiều con số: trung bình là 70%. 62% ở một liều lượng và 90% ở liều lượng khác.

62% có thể không giúp bạn đạt học sinh giỏi ở trong trường học, nhưng ở trong thế giới vắc-xin, đó là một con số xuất sắc. Hiệu lực 90% hoặc hơn trong các thử nghiệm là phi thường với cả 3 loại vắc-xin. Một số loại vắc-xin chúng ta thường sử dụng có hiệu lực thấp hơn nhiều. Một trong những loại vắc-xin phổ biến nhất trên giới là vắc-xin lao có hiệu quả chỉ chưa đến 50%. Cúm mùa – một căn bệnh rất khó để ngăn ngừa, bởi vì vi-rút thay đổi mỗi năm và vì thế phải tiêm đúng vắc-xin vào đúng thời điểm – tuy vậy tỉ lệ hiệu quả cũng không quá 60%. Các nhà quản lý hiểu rõ vấn đề này nên đầu năm nay họ đã tuyên bố sẽ cấp phép bất kỳ loại vắc-xin này có thể chứng minh an toàn và hiệu quả đạt trên 50%. Các con số hiệu quả cao từ các thử nghiệm sẽ giúp các nhà quản lý có thể đẩy nhanh quá trình chấp thuận, và ngay trong tuần này thì vắc-xin của Pfizer đã được cấp phép sử dụng tại Anh.

Về 3 con số hiệu lực khác nhau của vắc-xin Oxford, đây là một câu chuyện thú vị trong khoa học thể hiện giá trị của việc thử nghiệm nhiều phương án khác nhau, nhưng cũng về việc xác định, chấp nhận và đánh giá các nhầm lẫn. Đã có một nhầm lẫn xảy ra khi bắt đầu thử nghiệm. Khi phân tích các kết quả thử nghiệm ban đầu, các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi phát hiện ra trong một nhóm khoảng 3000 người tham gia, đã có ít tác dụng phụ hơn dự đoán. Đây là một phần của quá trình liên tục rà soát trong khi thực hiện nghiên cứu để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy trình.

Trong trường hợp này, họ nhận thấy các quy trình đã không được tuân thủ một cách chính xác. Vắc-xin được thiết kế để tiêm trong 2 liều – lần đầu và lần 2 sau đó 1 tuần. Nhưng nhóm người tham gia này chỉ được nhận nửa liều trong lần đầu tiên do nhầm lẫn. Sự sai sót này không làm hỏng và giảm giá trị của thử nghiệm. Đây vẫn là kết quả có giá trị. Nhưng nó cũng dẫn đến nhiều câu hỏi hơn và cần kiểm tra nhiều hơn. Câu hỏi rõ ràng nhất là: liều dùng nào là tốt nhất? Và kết quả hiệu lực cuối cùng của thử nghiệm là gì? Các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành. Với tất cả các vắc-xin thì những kết quả này vẫn chỉ là kết quả ban đầu, và nhiều thử nghiệm khác đang được tiến hành ở nhiều bối cảnh khác nhau để đưa ra được những con số chính xác nhất.

Và câu hỏi cuối cùng là – những tác dụng phụ của vắc-xin là gì? Mặc dù các tác dụng phụ được ghi nhận lại không thoải mái cho lắm nhưng tất cả đã nằm trong dự tính ban đầu. Những người tham gia báo cáo lại triệu chứng như đau đầu, sốt, đau nhức xương khớp, mỏi mệt khi hệ miễn dịch phản ứng. Các triệu chứng này đều xuất hiện ở các loại vắc-xin dựa trên việc kích hoạt hệ miễn dịch, và vắc-xin COVID-19 cũng vậy. Nhưng chỉ có chưa đến 5% người tham gia có những biểu hiện này, và họ có thể hoàn toàn tự bình phục. Không có một thử nghiệm nào có biến cố nghiêm trọng xảy ra, và với 20,000 – 40,000 người tham gia, đây là một tin rất tích cực.