Tối ưu hóa số liệu giám sát thường quy để điều tra tính hiệu quả của vắc-xin đối với độ nặng và tử vong do COVID-19 ở người lớn mắc COVID-19 ở Jakarta, Indonesia: Nghiên cứu thuần tập hồi cứu

Nghiên cứu viên chính: TS. Henry Surendra
Cộng tác cùng: Phòng Y tế Jakarta
Địa điểm nghiên cứu: Jakarta

Bối cảnh:
Các nghiên cứu về tính hiệu quả thực tế đóng vai trò quan trọng trong giám sát hiệu quả của các chương trình tiêm phòng vắc-xin COVID-19 và cung cấp thông tin cho chính sách phòng chống COVID-19. Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá tính hiệu quả thực tế của vắc-xin với độ nặng và tử vong do COVID-19 ở Jakarta, Indonesia.

Mục tiêu:
Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả thực tế của vắc-xin COVID-19 đối với độ nặng và tử vong ở người lớn được chẩn đoán mắc COVID-19 trong 7 tháng đầu sau tiêm (15 tháng 1 năm 2021 đến 7 tháng 8 năm 2021).

Phương pháp:
Nghiên cứu thuần tập hồi cứu này thu tuyển tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên được khẳng định mắc COVID-19 bằng PCR ở Jakarta, Indonesia. Chúng tôi trích xuất số liệu về nhân khẩu và lâm sàng từ thống kê của Phòng Y tế Jakarta và liên kết với thông tin tiêm vắc-xin của cá nhân trên hệ thống Đăng ký Tiêm chủng của Phòng Y tế Jakarta. Chúng tôi tính toán tỷ suất chênh được hiệu chỉnh và tính hiệu quả của vắc-xin đối với độ nặng và tử vong trong nhóm người lớn được khẳng định mắc COVID-19 bằng PCR. Tính hiệu quả của vắc-xin sẽ được báo cáo theo (1 – tỷ suất chênh) và 95% khoảng tin cậy. Tính hiệu quả của vắc-xin sẽ được hiệu chỉnh theo tuổi, giới, số ngày từ khi tiêm đủ liều đến ngày xét nghiệm và các bệnh nền đã biết.

Tầm quan trọng:
Nghiên cứu này sẽ là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu giám sát thường quy để cung cấp thông tin về tính hiệu quả của vắc-xin đối với độ nặng và tử vong do COVID-19 ở Jakarta, Indonesia.

Kết quả cho đến nay:
Số liệu đã được thu thập và đang được phân tích.