Nghiên cứu viên chính: TS. Henry Surendra
Cộng tác cùng: Cơ quan Y tế Jakarta, Khoa Y, Đại học Indonesia
Địa điểm nghiên cứu: Jakarta, Indonesia
Hiện có 33 siêu đô thị, theo định nghĩa của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Liên Hiệp Quốc là những khu đô thị có dân số hơn 10 triệu dân. Siêu đô thị chiếm khoảng 8% dân số toàn cầu, và chiếm khoảng 20% tổng số ca tử vong do COVID-19. Các siêu đô thị thường phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong thu nhập, nhà ở, vệ sinh, giao thông, mật độ dân số, chăm sóc sức khỏe cơ bản, và các yếu tố khác. Bất bình đẳng trong y tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình lây truyền và tử vong trong đại dịch. Điều này được chứng minh qua các đại dịch, kể từ đại dịch cúm năm 1918 đến đại dịch Ebola năm 2014. Độ nặng và kết cục lâm sàng có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh nền của các nhóm nguy cơ trong cộng đồng và qua sự khác biệt trong tiếp cận dịch vụ dự phòng hoặc chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đảm bảo bình đẳng trong y tế, đặc biệt tại các siêu đô thị với mức độ đô thị hóa và di chuyển nhanh, đóng vai trò quan trọng trong đối phó với những hiểm họa y tế toàn cầu hiện tại và trong tương lai.
Tầm quan trọng:
Trong bối cảnh đại dịch, nắm rõ được các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tử vong trong cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để định hướng hoạch định chính sách và các can thiệp y tế công cộng và lâm sàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế công cộng còn yếu kém. Đối với từng cá thể, tuổi già và bệnh nền đều được báo cáo là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Ở cấp độ cộng đồng, các công bố gần đây ở Mỹ, Chi-lê và Brazil đã cho thấy các ca tử vong do COVID-19 tập trung ở những nhóm dễ bị tổn thương xét về khía cạnh nhân khẩu xã hội học. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít số liệu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố nhân khẩu xã hội học ở cấp độ cộng đồng đối với tình trạng tử vong do COVID-19.
Indonesia, quốc gia có dân số đứng thứ 4 trên thế giới (dân số 274 triệu), là nước có thu nhập thấp và trung bình, có đặc điểm địa lý, văn hóa, và kinh tế xã hội rất đa dạng trải dài trên các quần đảo lớn nhỏ. Indonesia phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, số lượng ca mắc và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ hai Châu Á sau Ấn Độ, với 4,253,598 ca và 143,744 trường hợp tử vong (3·4% tỷ lệ tử vong (CFR)) tính đến ngày 22 tháng 11 năm 2021, trong số đó 20% (863,482) số ca mắc và 9·4% (13,574) số ca tử vong tập trung ở thủ đô Jakarta, một siêu đô thị với tình trạng bất bình đẳng y tế rõ ràng và không đồng nhất về nhân khẩu xã hội học.
Mục tiêu cụ thể:
Trong nghiên cứu thuần tập hồi cứu này, chúng tôi đánh giá mức độ dễ bị tổn thương ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và chăm sóc y tế tại 44 quận ở Jakarta và đánh giá mức độ liên quan của những yếu tố này với tình trạng tử vong do COVID-19 trong 18 tháng đại dịch ở tỉnh này (tháng 3 đến tháng 8 năm 2021).
Kết quả:
Nghiên cứu hồi cứu trên cộng đồng với số liệu giám sát dịch tễ ở Jakarta (n = 705,503 trường hợp) trong 18 tháng đầu của đại dịch là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đã phân tích toàn diện về mức độ dễ bị tổn thương liên quan đến tử vong do COVID-19 ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và chăm sóc y tế ở các cá thể được khẳng định nhiễm COVID-19 bằng PCR. Tỷ lệ tử vong trong cộng đồng ở Jakarta là 1·5% (10,797/705,503). Yếu tố cá nhân liên quan đến nguy cơ tử vong là tuổi già, nam giới, bệnh nền và trong đợt sóng đầu tiên, trẻ dưới 5 tuổi (tỷ lệ chênh được hiệu chỉnh (aOR) 1·56, 95%CI 1·04-2·35; nhóm tham khảo: độ tuổi 20 – 29). Nguy cơ tử vong tăng nhanh với nhóm dân số sống ở các quận nghèo (aOR cho nhóm nghèo hơn là 1·35, 95%CI 1·17-1·55; nhóm tham khảo: nhóm giàu nhất), mật độ dân số cao (aOR cho mật độ dân số đông nhất là 1·34, 95%CI 1·14-2·58), và nhóm có độ bao phủ vắc-xin COVID-19 thấp (aOR cho độ bao phủ thấp nhất là 1·25, 95%CI 1·13-1·38; nhóm tham khảo: nhóm có độ bao phủ cao nhất).
Khuyến cáo:
Sự khác biệt trong tình trạng nhân khẩu xã hội học và tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, trong số các yếu tố khác, ảnh hưởng lớn tới tình hình tử vong do COVID-19 ở các khu vực có thu nhập thấp. Nghiên cứu này đã khẳng định ngoài các yếu tố nguy cơ cá nhân đã được biết đến, tình hình nhân khẩu xã hội học và các yếu tố chăm sóc sức khỏe sẽ làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của cộng đồng xét về khía cạnh tử vong do COVID-19 ở các khu vực thành thị nghèo. Những kết quả này càng nhấn mạnh tầm quan trọng cần tăng cường các chương trình vắc-xin và các can thiệp phòng ngừa để bảo vệ người nghèo ở thành thị là những người có nguy cơ tử vong cao do COVID-19.