March 7, 2024

Từ Điểm Yếu tới Chìa Khoá Lãnh Đạo: Hành trình Phát triển của Andy Musaffa

Bachtiar Andy Musaffa (Andy) nắm giữ vị trí đặc biệt, kết nối giữa lĩnh vực quản lý dữ liệu và nghệ thuật lãnh đạo nhân văn - một không gian nơi sự chính xác của dữ liệu đi song song với cách làm việc nhóm linh hoạt. Trong vai trò Quản lý dữ liệu nghiên cứu tại OUCRU Indonesia, Andy không chỉ quản lý và sắp xếp các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, phát triển cơ sở dữ liệu, mà còn đảm nhận vai trò là nhà lãnh đạo cho một đội ngũ đa dạng, hướng dẫn họ vượt qua những thách thức trong môi trường nghiên cứu đòi hỏi sự chuyên môn cao.

Gia nhập OUCRU vào tháng 12 năm 2021, Andy đã đem theo mình bộ kỹ năng chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một lịch sử đáng nể với 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phản ứng khẩn cấp trước các thảm họa thiên nhiên. Nền tảng vững chắc của anh trong quản lý khủng hoảng và lãnh đạo chính là yếu tố quyết định, giúp anh dẫn dắt đội của mình vượt lên trên những đòi hỏi gắt gao của các dự án thử nghiệm lâm sàng.

Chương trình lãnh đạo Make A Difference

Triết lý lãnh đạo của Andy đã có biến đổi đáng kể sau khi anh tham gia Chương trình lãnh đạo “Make A Difference” (MAD). Khác với các khóa học phát triển lãnh đạo thông thường, chương trình MAD nổi bật nhờ cách tiếp cận đặc biệt, tập trung vào sự phát triển nhận thức cá nhân và việc áp dụng kiến thức một cách thiết thực vào việc giải quyết các thách thức thường nhật. Trong chương trình này, Andy đã rèn luyện kỹ năng để chuyển hóa suy nghĩ nội tâm thành hành động có ý nghĩa, tận dụng điểm mạnh và cải thiện điểm yếu của bản thân.

“Khi làm việc trong lĩnh vực quản lý thảm họa, tôi chứng kiến mọi người hành động như Siêu nhân – họ xử lý mọi việc một cách nhanh chóng, quả quyết và không mắc phải sai lầm, môi trường ấy không chấp nhận sự hiện diện của điểm yếu trong thời khắc khủng hoảng. Quyền lực chỉ huy là nguyên tắc cốt lõi. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng cách lãnh đạo đó không hoàn toàn phù hợp với vị trí hiện tại. Trong nhóm hiện tại, điều quan trọng là phải thực sự hiện diện, cung cấp sự hỗ trợ và tiến hành những cuộc đối thoại đầy thách thức nhưng cần thiết với nhóm của mình.”

Hình ảnh: Andy trong vai trò ứng phó thảm họa trước đây

Thông qua những trải nghiệm trong Chương trình, Andy đã nhìn nhận được giá trị của phong cách lãnh đạo liên kết, phong cách này đặt ưu tiên vào việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân hơn là duy trì cấu trúc phân cấp truyền thống. Anh đã học cách duy trì sự cân bằng giữa việc là một người lãnh đạo hỗ trợ đồng đội và việc phải đưa ra những quyết định khó khăn, ví dụ như giải quyết các xung đột nội bộ trong nhóm mình mà vẫn không lệch lạc khỏi mục tiêu chung. Tuy nhiên, việc Andy chủ động rời khỏi vùng an toàn của bản thân đã làm nổi bật sự cam kết của anh đối với việc duy trì công bằng và trách nhiệm trong nhóm của mình.

Vượt qua những điểm yếu của bản thân

Con đường lãnh đạo mà Andy đã đi qua không tránh khỏi những khoảnh khắc tự nghi ngờ. Dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý và tham gia vào các nhóm ứng phó với thảm họa, anh vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhìn nhận bản thân mình trong vai trò của một người lãnh đạo hiệu quả. Những phiên đào tạo trực tiếp cùng với Huấn luyện viên Rob Hale từ chương trình MAD cũng đã hỗ trợ Andy trong việc vượt qua một vấn đề mà nhiều người thành công thường gặp phải: đó là khó khăn trong việc nhận ra và trân trọng những thành tựu của bản thân.

“Tôi đã chia sẻ với thầy Rob về áp lực tự gây ra cho mình, cũng như thói quen không công nhận những thành quả của mình, luôn cảm thấy chúng chưa đủ. Thầy khuyến khích tôi học cách đánh giá cao những thành công đó và không nên quá nghiêm khắc với bản thân. Thầy khuyên tôi nên nhìn nhận và ghi nhận những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra thay vì chỉ trích chúng một cách tiêu cực. Điều này trở thành một điểm mấu chốt trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, bởi vì tôi thường xuyên bỏ qua những thành tựu của mình và luôn tập trung vào việc làm việc hết mình.”

Andy chia sẻ kinh nghiệm của mình trong chương trình MAD

Những đổi mới tiên phong

Khi Andy mở lòng chấp nhận điểm yếu của bản thân và mạnh dạn thể hiện chính mình, anh đã phát hiện ra rằng điều này không hề làm giảm khả năng lãnh đạo của mình. Ngược lại, nó còn giúp anh trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn trong mắt nhóm của mình. Nhờ sự dẫn dắt của Andy, nhóm “nhỏ nhưng có võ” tại OUCRU Indonesia không chỉ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra mà còn tiên phong trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo.

Một trong những thành tựu nổi bật của nhóm là việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu độc lập. Hệ thống này không chỉ tuân thủ chặt chẽ các quy định địa phương mà còn mang lại khả năng cho OUCRU Indonesia tự quản lý dữ liệu nghiên cứu của mình, từ đó tăng cường hiệu quả và cải thiện việc kiểm soát thông tin. Andy rất tự hào về đội ngũ của mình, điều này được phản ánh qua những suy nghĩ của anh ấy về thành quả đạt được: “Chúng tôi đã xây dựng nó từ con số không”, một lời khen ngợi không chỉ về sự sáng tạo mà còn về tinh thần làm việc cần cù của toàn bộ nhóm.

Trong quá trình dẫn dắt nhóm của mình tại OUCRU, Andy áp dụng những bài học quý giá mà anh đã học được từ Chương trình MAD vào thực tiễn công việc. Bài học đắt giá nhất mà Andy rút ra từ chương trình – sự nhận thức về điểm yếu cá nhân – đã trở thành một phần cốt lõi trong cách thức quản lý của anh. Điều này cho phép anh thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các thành viên trong nhóm và khích lệ họ cùng nhau hợp tác để đạt được những mục tiêu chung.

Trong một ngành nơi mà hình ảnh “Siêu nhân” thường được tôn vinh, sự dũng cảm của Andy trong việc công khai nhận diện và chia sẻ điểm yếu của bản thân đã nổi bật lên như một hình mẫu của khả năng lãnh đạo chân chính. Điều này nhấn mạnh rằng, ngay cả trong những ngành khô khan như quản lý dữ liệu hay quản lý khủng hoảng, sự phức tạp và thử thách của yếu tố con người cần được nhìn nhận và quản lý một cách có cân nhắc.

Tìm hiểu thêm

Liên quan

Skip to content