July 21, 2022

Nghiên cứu của OUCRU hướng tới giảm chi phí điều trị và cải thiện khả năng tiếp cận y tế cho bệnh nhân Viêm gan C

Ngày 28 tháng 7 là Ngày Thế giới Phòng chống Viêm Gan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ viêm gan ở nước ta chiếm khoảng 10-15% dân số, trong đó khoảng 1,07 triệu người nhiễm viêm gan C (1-2% dân số). Có tới 90% người nhiễm Viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình.

OUCRU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã hợp tác trong các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng liên quan tới Viêm gan C từ năm 2018. Những nghiên cứu này tập trung vào các yếu tố dự đoán người nhiễm Viêm Gan C có thể được điều trị thành công với thời gian điều trị ngắn hơn khi sử dụng liệu pháp kháng vi-rút.

Hiện nay, liệu pháp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (DAA) trực tiếp cho bệnh Viêm gan C (HCV) mang lại tỷ lệ chữa khỏi cao cho những người có thể tuân thủ thời gian điều trị tiêu chuẩn. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, nơi việc điều trị chỉ giới hạn sử dụng các liệu pháp thuốc ức chế NS5A / NS5B thế hệ thứ hai, thời gian điều trị tiêu chuẩn ít nhất là 12 tuần. Khoảng thời gian này là một rào cản đối nhiều người không có thời gian tham gia điều trị, và từ đó, mối đe doạ sức khoẻ cộng đồng Viêm Gan C vẫn chưa thể bị loại trừ. Bắt buộc phải tìm ra các chiến lược điều trị mới đối với những nhóm dân số khó tiếp cận, chẳng hạn như những người tiêm chích ma túy và những người vô gia cư.

 

Ngoài ra, tại Việt Nam, liệu pháp DAA điều trị Viêm gan C vẫn còn đắt đỏ đối với nhiều người bị nhiễm bệnh. Một liệu trình tiêu chuẩn kéo dài 12 tuần, sử dụng sofosbuvir và daclatasvir (SOF / DCV) có giá từ US $2,417 – $ 2,472 (khoảng hơn 56 triệu đồng), theo số liệu tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019. Mặc dù chính phủ Việt Nam có cung cấp trợ cấp 50% chi phí thuốc thông qua bảo hiểm y tế, nhưng Bộ Y tế ước tính chỉ có 1.000 người được tiếp cận Điều trị DAA thông qua bảo hiểm y tế vào năm 2019 và 2.700 vào năm 2020.

Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi nghiên cứu các yếu tố dự đoán người nhiễm Viêm Gan C có thể được điều trị thành công với thời gian điều trị ngắn hơn khi sử dụng liệu pháp kháng vi-rút, nhờ đó có thể mở rộng khả năng tiếp cận điều trị và giảm chi phí thuốc.

Chúng tôi đã hoàn thành một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ vào năm 2020, xem xét hiệu quả điều trị virus sớm nhằm đưa ra thời gian điều trị sử dụng SOF / DCV hợp lý. Cho tới nay, đây vẫn là lựa chọn điều trị có giá thấp nhất và phổ biến nhất trên toàn cầu.

Chúng tôi cũng đang tiến hành một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nhiều nhánh lớn hơn nhằm khám phá ba chiến lược rút ngắn thời gian điều trị khác nhau đối với Viêm gan C, với hai sự kết hợp thuốc khác nhau. Chúng tôi dự kiến ​​sẽ hoàn thành việc thu tuyển bệnh nhân vào đầu năm 2023.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu OUCRU đã thực hiện một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp tỷ lệ huyết thanh viêm gan B, C và D ở Việt Nam từ 1990-2020, được công bố trên tạp chí The Lancet Western Pacific vào tháng 5 năm 2022. Chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù an toàn máu đã được cải thiện, việc tập trung vào tiêm chủng vắc xin Viêm Gan B cho trẻ sơ sinh và việc sàng lọc và điều trị Viêm Gan C có mục tiêu cho những người tiêm chích ma túy là cần thiết để đạt mục tiêu loại trừ căn bệnh này.

Cho đến nay, những thử nghiệm lâm sàng này chủ yếu có sự tham gia của những bệnh nhân đang được chăm sóc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Họ hiểu được sự lây nhiễm của VGC và những tác động của bệnh, và mong muốn tìm cách điều trị. Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng liệu pháp ngắn hoặc ngắt quãng có thể mang tới tợi ích tích cực cho những cộng đồng mà trước đây chưa thể tiếp cận điều trị. Nếu các giải pháp này có hiệu quả như kì vọng, chúng ta sẽ phải có chiến lược thu hút những nhóm cộng đồng yếu thế này, chẳng hạn như nhóm tiêm chích ma túy (PWID), nam giới quan hệ tình dục đồng giới hoặc chuyển giới, nhóm lao động tình dục, cũng như các cộng đồng có thu nhập thấp.

Do đó, OUCRU đã phối hợp với các bên liên quan để thực hiện “Nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng nhằm nâng cao tính kết nối với nhóm dễ bị tổn thương có nguy cơ mắc Viêm Gan C (VGC) tại Việt Nam” (Hep C PAR). Đây là nghiên cứu xã hội có sự tham gia của cộng đồng (Community-based participatory research), gọi tắt là CBPR. Bằng cách ứng dụng CBPR, các nhóm cộng đồng được trao quyền để tự tìm hiểu những vấn đề quan trọng với cộng đồng của họ, từ đó chia sẻ góc nhìn của mình, phân tích và tiến đến tìm kiếm, thực hiện những giải pháp thực tế và phù hợp cho những thách thức tại chính cộng đồng của mình.

CBPR groups practising Venn Diagram as part of CBPR activities to identify stakeholders having impacts on underserved communities at risk of Hep C. | Đại diện nhóm cộng đồng thực hành ứng dụng CBPR – biểu đồ Venn để xác định các bên liên quan có ảnh hưởng lên các cộng đồng yếu thế có nguy cơ mắc VGC.

Cho tới nay, các nghiên cứu của OUCRU liên quan tới Viêm Gan C vẫn đang diễn ra và có những kết quả tích cực với nhóm người tham gia nghiên cứu, với hy vọng có thể tiếp cận những cộng đồng lớn hơn trong tương lai.

Skip to content