Chủ nhiệm dự án:
GS Rogier van Doorn
Đơn vị tài trợ:
One Health Trust
Thời gian thực hiện:
1 năm
Phương pháp:
Tổng quan tài liệu, tổng quan chính sách và tham vấn chuyên gia
Chương trình Hợp tác Toàn cầu về Kháng kháng sinh (GARP) được khởi xướng vào năm 2009 bởi tổ chức One Health Trust, tiền thân là Trung tâm Động lực học Bệnh tật, Kinh tế và Chính sách (CDDEP). Đây là một sáng kiến toàn cầu có sức ảnh hưởng rộng rãi, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình xây dựng các chiến lược và chính sách quốc gia về phòng chống tình trạng kháng kháng sinh dựa trên nhu cầu và bối cảnh thực tế tại địa phương.
Giai đoạn hai của sáng kiến GARP (GARP-2) nhằm mục tiêu tổng hợp các bằng chứng liên ngành về tác động của tiêm chủng đối với KKS trong các bối cảnh cụ thể tại từng quốc gia. Tại Việt Nam, dự án được triển khai thông qua sự hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (NHTD).
Vắc xin đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm thiểu kháng kháng sinh (KKS) thông qua việc phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng và giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh. Mặc dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một chiến lược trọng yếu trong kiểm soát KKS, tiêm chủng vẫn chưa được lồng ghép đầy đủ vào các chính sách phòng chống KKS tại Việt Nam — điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường sự thống nhất và tích hợp chính sách trong thời gian tới.
Dự án nhằm tổng hợp các bằng chứng về vắc xin trên người và tiềm năng của chúng trong việc giảm thiểu tình trạng KKS tại Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin cho các bên liên quan về chính sách nhằm hỗ trợ việc lồng ghép vắc xin vào các chiến lược quốc gia phòng chống KKS.
Ngay từ giai đoạn đầu của dự án GARP-2, Ban cố vấn dự án đã được thành lập. Ban cố vấn bao gồm 12 thành viên là các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, vắc xin và kháng kháng sinh.
Vai trò: Ban Cố vấn có vai trò tham vấn xuyên suốt quá trình nghiên cứu và đối với các kết quả của dự án.
Hội thảo trực tuyến đầu tiên của dự án được tổ chức vào ngày 28 tháng 9 năm 2023. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của Ban cố vấn dự án.
Tại buổi họp, nhóm dự án đã trình bày các thông tin chung về sáng kiến GARP và chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến vai trò của vắc xin trong việc giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Các thành viên Ban cố vấn đồng thời tham gia thảo luận về Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (EPI) tại Việt Nam, tập trung vào những thành tựu đã đạt được, các thách thức còn tồn tại, định hướng trong tương lai, cũng như vai trò của vắc xin trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh.
Hội thảo trực tiếp GARP-2 với chủ đề “Vai trò của vắc xin trong giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam” được tổ chức vào ngày 23 tháng 5 năm 2024. Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi nhóm dự án GARP và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (NHTD).
Hội thảo quy tụ các chuyên gia về tiêm chủng và kháng kháng sinh (KKS) nhằm đưa ra các đề xuất tích hợp vắc xin vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống Kháng thuốc tại Việt Nam, đồng thời thảo luận các khuyến nghị chính sách dựa trên các nghiên cứu đã được đưa ra.
Các chuyên gia từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, the Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y Tế), và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã đóng góp những ý kiến thiết thực cho các khuyến nghị chính sách.
Bốn khuyến nghị chính sách được trình bày trong hội thảo sẽ được sửa đổi dựa trên kết quả thảo luận và tham vấn các chuyên gia trước khi hoàn thiện.
Kết quả của dự án sẽ là một bản Tóm tắt khuyến nghị chính sách, tổng hợp các bằng chứng về vai trò của vắc xin trên người trong việc giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Hiện tại, tài liệu này đang trong giai đoạn chỉnh sửa cuối cùng, dựa trên các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia thông qua hội thảo trực tuyến và hội thảo trực tiếp đã được tổ chức.
Sau khi hoàn thiện, bản Tóm tắt khuyến nghị chính sách sẽ được gửi tới các nhà hoạch định chính sách và phổ biến rộng rãi tới các bên liên quan, nhằm hỗ trợ triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Việt Nam trong thời gian tới.