May 29, 2024

Vai Trò Của Vắc Xin Trong Giảm Thiểu Tình Trạng Kháng Kháng Sinh Tại Việt Nam

OUCRU Hà Nội, phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (BVBNĐ TƯ) vừa qua đã tổ chức hội thảo công bố bản Tóm tắt khuyến nghị chính sách “Vai trò của Vắc xin trong Giảm thiểu tình trạng Kháng kháng sinh tại Việt Nam”.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia về tiêm chủng và kháng kháng sinh (KKS) nhằm đưa ra các đề xuất tích hợp vắc xin vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống Kháng thuốc tại Việt Nam, đồng thời thảo luận các khuyến nghị chính sách dựa trên các nghiên cứu đã được đưa ra.

Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ của sáng kiến Hợp tác Toàn cầu về Kháng Kháng sinh (GARP), một dự án được One Health Trust triển khai từ năm 2009. Đây là một nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm xây dựng và thực thi các chiến lược cũng như chính sách phòng chống Kháng Kháng Sinh, với trọng tâm tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình.

Trong hội thảo, bản tóm tắt khuyến nghị chính sách đã được công bố, nêu bật vai trò mang tính chiến lược của vắc xin trong cuộc chiến chống kháng kháng sinh. Đây là công trình nghiên cứu kéo dài trong 1 năm, do OUCRU, BVBNĐ TƯ và dự án GARP cùng phối hợp thực hiện, nhằm đưa ra những phân tích mang tính toàn diện và cá khuyến nghị thiết thực cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam Thông qua đó làm giảm tình trạng KKS tại Việt Nam và đưa vắc-xin vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Phòng, chống Kháng thuốc của Việt Nam, với vai trò là một công cụ hiệu quả để chống KKS.

Các chuyên gia từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đã đóng góp những ý kiến thiết thực cho khuyến nghị chính sách.

PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin (NITAG) của Bộ Y tế

Trong bài phát biểu khai mạc, PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin (NITAG) của Bộ Y tế, nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc xin trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. PGS cũng giới thiệu về NITAG Việt Nam và thảo luận về vai trò của vắc-xin trong việc góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh.

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia

TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chia sẻ: “Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cho tỷ lệ tiêm chủng đối với một số loại vắc xin đã giảm đáng kể, đạt mức thấp kỷ lục. Sự suy giảm này đã góp phần làm xuất hiện trở lại các bệnh truyền nhiễm như sởi và bạch hầu, vốn trước đây đã được kiểm soát tốt nhờ nỗ lực tiêm chủng.”

Cuộc họp cũng đóng vai trò là nền tảng để đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho việc triển khai các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Sáng kiến ​​này dự kiến ​​sẽ hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và giảm tình trạng kháng kháng sinh.

Giáo sư Rogier van Doorn, Giám đốc OUCRU Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo

GS. Rogier van Doorn, Giám đốc OUCRU Hà Nội, nhấn mạnh cam kết của đơn vị trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua nghiên cáo và cung cấp bằng chứng thiết thực cho các khuyến nghị chính sách.

Mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa OUCRU và BVBNĐ TƯ, cùng các cơ quan y tế trung ương, đã hỗ trợ thúc đẩy các sáng kiến ​​y tế công cộng phục vụ cho cộng đồng tại Việt Nam.

Giáo sư Rogier van Doorn, Giám đốc OUCRU Hà Nội

Bốn khuyến nghị chính sách được trình bày trong hội thảo sẽ được sửa đổi thêm dựa trên các ý kiến nêu lên tại hội thảo và tham vấn thêm với các chuyên gia. Sau khi hoàn thiện, tài liệu này sẽ được phân phối tới các nhà hoạch định chính sách và chia sẻ rộng rãi với các bên liên quan nhằm bổ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia của Việt Nam về Phòng, chống Kháng thuốc.

Skip to content