(38HN) Nhận thức và thái độ về cái chết, sự qua đời và thi thể trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm: một nghiên cứu định tính tại Việt Nam

Đơn vị tài trợ
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC), UK
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST)

Chủ nhiệm dự án
PGS. Rogier van Doorn
TS. BS. Tạ Thị Diệu Ngân – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội

Địa điểm nghiên cứu
TP. Hồ Chí Minh
Hà Nội
Đắk Lắk

Mục tiêu chính của nghiên cứu là để hiểu sâu các trải nghiệm, quan điểm và thái độ về cái chết, sự qua đời và thi thể của các các bên liên quan chính, tại 3 tỉnh/thành phố của Việt Nam.

Bối cảnh nghiên cứu

Mục tiêu cơ bản của y tế công cộng là dự phòng tử vong sớm. Thông tin chi tiết về nguyên nhân gây tử vong là cần thiết để đạt được mục tiêu này. Các báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy trong 48 triệu ca tử vong được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vào năm 2010, phần lớn không có sự can thiệp y khoa, do đó nguyên nhân tử vong của những trường hợp này cũng không được xác định rõ ràng. Trong khi đó, các thống kê có độ chính xác cao, có tính đại diện về tổng số ca và nguyên nhân tử vong cụ thể ở các quốc gia này thường có nhiều lỗ hổng do hệ thống thông tin thường quy không đầy đủ.

Xác định nguyên nhân tử vong bằng khám nghiệm tử thi có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức y học, cải thiện thực hành lâm sàng và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ khám nghiệm tử thi đại thể được tiến thành trên toàn thế giới đang giảm đáng kể. Trong khi đó, các phương pháp xác định nguyên nhân tử vong khác như xác định nguyên nhân tử vong bằng phỏng vấn (VA) – một phương pháp sử dụng bộ câu hỏi bán cấu trúc với thân nhân và người chăm sóc người đã mất, cần phải được xem xét thêm.

Những năm trở lại đây, phương pháp khám nghiệm tử thi xâm lấn tối thiểu (MIA) – một phương pháp sử dụng kim rỗng để lấy mẫu từ các cơ quan, nội tạng, đã được xây dựng và được cânn nhắc có thể là một phương án thay thế khả thi và dễ được chấp nhận hơn so với khám nghiệm tử thi truyền thống. Trong hầu hết các trường hợp, khám nghiệm tử thi không thực hiện được nếu không có sự đồng ý của thân nhân người mất. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ khám nghiệm nghiệm tử thi giảm, nhưng có rất ít kết quả tìm hiểu lý do từ chối hoặc thái độ đối với khám nghiệm tử thi trong cộng đồng và của cả chuyên gia y tế tại những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Việc ít người chấp thuận các phương pháp giám định sau tử vong có nhiều nguyên nhân đa chiều và phức tạp. Nhiều gia đình không nhận thấy bất cứ lợi ích nào từ một phương pháp có thể làm tổn hại đến thi thể người mất và ảnh hưởng đến việc tổ chức tang lễ, ngoài các vấn đề khác về mặt văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo. Bởi những lí do này, các bác sĩ lâm sàng thường không muốn đề cập đến khám nghiệm tử thi đối với gia đình người mất, bởi họ cảm thấy đây là một trong những điều khó tiếp nhận nhất trong thực hành lâm sàng và trong một số trường hợp, các bác sĩ cũng không nhìn thấy được giá trị của khám nghiệm tử thi.

Mặc dù vậy, việc tìm hiểu quan điểm của người dân về cái chết, sự qua đời và thi thể, cũng như xác định các yếu tố văn hóa, xã hội, đạo đức có ảnh hưởng tới các cán bộ y tế và nhà nghiên cứu khi trao đổi với thân nhân người mất về các nghiên cứu liên quan tới nguyên nhân tử vong là rất cần thiết.

Mục tiêu

Tìm hiểu sâu các trải nghiệm, quan điểm và thái độ về cái chết, sự qua đời và thi thể của các các bên liên quan chính, tại 3 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Nghiên cứu cũng dự kiến tìm hiểu các quy phạm về văn hoá-xã hội và các nghi lễ tang ma tại Việt Nam. Cùng với đó, nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu các quan điểm của người tham gia về khám nghiệm tử thi và phương pháp xâm lấn tối thiểu để xác định nguyên nhân tử vong.

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu định tính, sử dụng phỏng vấn sâu, phỏng vấn không chính thức và thảo luận nhóm. Phương pháp nghiên cứu này được đánh giá là tối ưu để thu thập thông tin về trải nghiệm và quan điểm cá nhân liên quan tới đề tài nghiên cứu.

Ngoài ra, nếu được cho phép, nhóm nghiên cứu cũng sẽ quan sát các nghi lễ, phong tục truyền thống liên quan đến tang ma tại địa phương. Trong quá trình quan sát, nghiên cứu viên sẽ tuân thủ theo đúng các phong tục và quy định tại địa phương.

Skip to content